Chia sẻ về quá trình học và thực tập của một du học sinh năm 3 tại Mỹ

Mình là Dương Phước Tiến, một trong những học viên kỳ cựu nhất của 4WORDS!

Hiện tại mình đang là sinh viên năm 3 tại University of Texas at Dallas (UTD), chuyên ngành Computer Science. Nhờ có sự hỗ trợ tư vấn của 4WORDS, mình nhập học UTD với ưu tiên đặc biệt. Mình chỉ phải đóng mức phí thấp y như người dân bản địa. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ mình một chút chi phí sinh hoạt nữa. Trước khi vào Đại học thì mình là cựu học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Khoa Học Tự Nhiên.

Well, mình cũng kể luôn một sự lệch hướng không hề nhẹ mà mình đã trải qua. Một học sinh chuyên Hóa suy tính học ngành Điện rồi lại chuyển sang Khoa học máy tính (Computer Science). Và đó là câu chuyện hôm nay mình sẽ chia sẻ…

Phước Tiến, từ một học sinh chuyên Hóa…

Phước Tiến tại Texas

“Ban đầu mình cũng chưa có định hướng cụ thể”

Mình có thể được coi là một trong những học viên danh dự của 4WORDS. Vì mình đã gắn bó với 4WORDS từ những ngày 4WORDS mới thành lập. Sau khi học và hoàn thành các bài thi chuẩn hóa, mình được các thầy cô tư vấn và định hướng cho các bước tiếp theo.

Hồi đấy mình cũng có tính đến chuyện Du học và có tìm hiểu về các trường. Nhưng càng tìm hiểu thì mình càng bị rối. Mình chưa có nhiều kiến thức và thông tin về các trường. Cả định hướng học ngành gì mình cũng không có. Khi ấy thì cô Ngân Hà, giáo viên dạy SAT của mình tại 4WORDS đã động viên mình rất nhiều.

Cô dành cả một buổi để ngồi với mình về chuyện định hướng chọn trường, chọn ngành tùy thuộc vào khả năng tài chính. Cô nói mình không cần phải bó buộc vì bản thân học chuyên Hóa mà phải theo hướng nào đó liên quan. Cứ chọn những ngành phù hợp với khả năng và có hứng thú thôi. Cô Hà còn mời cả các anh chị cựu học viên ở các trường đại học bên Mỹ tới. Các anh chị chia sẻ cảm nhận và trải nghiệm Du học cho mình. Thậm chí, mình còn được gợi ý cách học tập hiệu quả và thích nghi với môi trường Đại học.

“Nhưng sau đó mình đã quyết định chọn Computer Science”

Thực ra ban đầu mình đã lên kế hoạch học Electrical Engineering (Kỹ thuật Điện). Cuối cùng, mình lại quyết định chọn ngành Computer Science sau khi được thầy cô tư vấn rất kỹ. Thực chất thì qua trao đổi với các anh chị khóa trước, mình nhận thấy Computer Science là 1 ngành phù hợp với học sinh chuyên về KHTN như mình. Hồi đó mình nộp đơn khoảng 10 trường và cảm giác chờ trường báo kết quả về nó thực sự rất hồi hộp. Dựa trên khả năng tài chính và chất lượng giảng dạy của trường, mình chọn University of Texas at Dallas.

Cho tới Du học sinh chuyên ngành Computer Science

Phước Tiến tại Texas

Computer Science, Phước Tiến học gì ở UTD?

Ở Texas thì UTD đứng top 3 về khối ngành này luôn. Mới đầu mình cứ nghĩ học Khoa học máy tính sau này chỉ biết cài Windows :). Trong quá trình học chỉ học ngôn ngữ lập trình sau đó có thể đi làm luôn.

Nhưng không! Ở UTD mình được học một cách hết sức bài bản. Trường đi theo giáo trình căn bản từ các loại ngôn ngữ lập trình C++ rồi tới Java. Mình được học tất cả các loại kỹ năng code, phân tích và đọc hiểu các chương trình. Sau đó mình học về cấu trúc máy tính và các loại thuật toán.

Nhìn chung, về khối ngành Computer Science thì UTD thực sự là một điểm đến lý tưởng dành cho mọi sinh viên. Cá nhân mình thấy, với bộ giáo trình căn bản như hiện tại của UTD thì chỉ cần đọc kỹ và hiểu sâu là bạn đủ để giỏi về lĩnh vực này rồi.

Phước Tiến nói gì về đội ngũ giảng viên ở UTD?

Ở UTD thì giảng viên cứ phải nói là cực kỳ uyên bác. Đa phần giảng viên của UTD đều là các giáo sư đến từ Mỹ và Ấn Độ.

Đối với các giáo sư Mỹ, họ thường có kiến thức thực tế rất giỏi. Vì ngoài kiến thức, họ còn từng làm việc và trải nghiệm thực tế tại các tập đoàn lớn về công nghệ tại Mỹ. Từ đó vận dụng kết hợp giữa lý thuyết và thực tế để quay về giảng dạy cho sinh viên. Kiến thức nào có thể áp dụng được ngay trong công việc? Kiến thức nào cần thiết nhất dành cho mọi sinh viên ngành Computer Science?… Tất cả đều sẽ được giảng dạy hết!

Còn các giáo sư Ấn Độ thiên về lý thuyết hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc yêu cầu học viên phải học chăm chỉ. Với vốn kiến thức chuyên sâu thì các giáo sư Ấn Độ có thể coi như “từ điển sống” giải thích mọi thắc mắc của sinh viên.

Trải qua nửa già chặng đường Đại học, Phước Tiến học được những gì?

Năm nhất

Đối với năm nhất thì những gì mình học được nhiều nhất là khả năng tự lập. Lần đầu tiên trong đời mình tự sắm sửa đồ nội thất trong nhà, tự đi chợ và nấu nướng,.. Tất cả những công việc thường ngày trước đây ở nhà ít phải động tới thì giờ đây mình phải làm hàng ngày luôn.

Cùng trong năm này thì mình cũng rèn được tính tự giác rất cao. Đây là yếu tố cần thiết để tránh trì hoãn công việc dẫn tới chậm deadline trên lớp. Kỳ đầu tiên của năm nhất, mình cứ nghĩ rằng chỉ cần học thuộc và đi thi là mọi thứ sẽ ổn hết. Nhưng không! Lần đó mình gặp ngay điểm D đầu tiên trong đời. Mình trở nên hoang mang và mất phương hướng. Mình không biết cách học ra sao, ôn tập thế nào,…

May mắn rằng trong khoảng thời gian đó mình đã kết nối được với các anh chị Du học sinh khóa trên. Mình được các anh chị chỉ bảo và hướng dẫn rất nhiều. Mình cần phải vừa học vừa hiểu thì mới áp dụng được. Nếu chỉ học thuộc không thôi thì không bao giờ mình biết áp dụng. Và tới bây giờ mình vẫn áp dụng tôn chỉ này cho cả công việc và học tập. Luôn cố gắng hiểu vấn đề một cách tường tận nhất, không chỉ học lý thuyết suông.

Năm hai

Mình bước vào năm 2 với một tâm thế sẵn sàng tập trung hoàn toàn cho ngành học của mình. Đây là thời điểm mình được có được những trải nghiệm quý giá như làm dự án chung cùng các bạn trong lớp. Mình tự sửa lỗi code cho phần bài của mình. Bên cạnh đó, mình tham gia vào những ngày hội thực tập của trường. Ngày hội này giúp mình tìm hiểu thêm về những công ty ở khu vực Richardson nơi mình đang sống. Mình học hỏi được kinh nghiệm tìm kiếm việc làm cũng như cách tư duy lập trình của những bạn trong ngành.

Năm ba

Sang tới năm 3 thì do dịch COVID nên mình không có nhiều cơ hội để làm quen với các bạn bên Mỹ nữa. Vì vậy mình quyết định đi thực tập tại Việt Nam. Kinh nghiệm này sẽ giúp mình học thêm kiến thức mới đảm bảo bản thân sau này không bị bỡ ngỡ.

Sau một thời gian tiếp xúc với công việc của một người phát triển phần mềm, mình thấy cần phải trau dồi khả năng tự học nhiều hơn để luôn luôn nắm rõ được các công nghệ mới nhất hiện nay.

Phước Tiến đã định hướng nghề nghiệp như thế nào?

Hiện tại mình cũng đã đi được nửa già chặng đường Đại học. Vì thế nên việc định hướng nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khá quan trọng. Tận dụng khoảng thời gian về nước do Covid-19, mình đã quyết định đi thực tập để tích lũy kinh nghiệm. Hiện mình đang làm thực tập sinh cho CMC Global – tập đoàn công nghệ viễn thông lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Cơ duyên đưa Phước Tiến đến với CMC

Mình biết đến CMC thông qua một người bạn đã trải nghiệm làm việc tại CMC được 6 tháng. Qua đánh giá từ bạn và sự tìm hiểu của mình thì đây là một tập đoàn lớn về công nghệ. Và làm việc ở CMC cũng khá phù hợp với chuyên ngành của mình. Cho nên mình quyết định nộp đơn ứng tuyển.

Quá trình ứng tuyển

Ngay khi quyết định nộp đơn ứng tuyển thì bạn mình có liên lạc với bộ phận tuyển dụng của CMC. Sau đó thì bộ phận tuyển dụng đã liên lạc lại với mình và xếp lịch phỏng vấn. Nếu phỏng vấn xong thấy mình phù hợp thì sẽ liên hệ lại mình để làm các thủ tục tiếp theo.

Vì cũng có tìm hiểu trước rồi nên trong lúc phỏng vấn mình cũng không gặp khó khăn gì lắm. Ngoài ra thì anh phỏng vấn mình khá thân thiện. Anh biết sinh viên thường hay lo lắng nên cũng hỗ trợ mình trong quá trình phỏng vấn. Mình cũng không nhớ rõ anh ấy đã hỏi mình những gì đâu. Nhưng buổi phỏng vấn hôm đó giống như 2 người anh em ngồi nói chuyện vậy.

Khoảng 2 ngày sau thì mình nhận được thư mời làm việc. Mình cũng khá hoang mang không biết có làm được việc hay không? Nhưng được nhận vào rồi thì cứ trải nghiệm thôi ^^.

1 ngày làm việc tại CMC của Phước Tiến

Công việc chính của mình tại CMC là duy trì và phát triển một công cụ sử dụng cho nội bộ công ty. Để bắt kịp với công việc thì mình phải học thêm những ngôn ngữ lập trình của front-end và back-end trong khóa đào tạo kéo dài 1 tháng. Sau 1 tháng đó thì mình chính thức tham gia vào quá trình phát triển các tính năng mới cho công cụ này.

Hiện tại mình cũng mới làm việc ở CMC trong khoảng thời gian ngắn nên cũng chưa biết nói gì nhiều. Mình phải mất tới 1 tuần để hòa nhập với văn hóa làm việc tại công ty.

Vì là thực tập sinh nên mình không bị áp lực như nhân viên chính thức. Các anh chị dù trẻ nhưng đều rất giỏi và hòa đồng, vui tính. Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ mình nên mình mong sau đợt thực tập này mình sẽ học hỏi được nhiều điều.

Thay lời kết

Mới ngày nào khi mình còn theo học TOEFL và SAT tại 4WORDS. Vậy mà giờ đã là sinh viên năm 3 rồi. Cả mình và 4WORDS đã “trưởng thành” hơn rất nhiều. 3 năm là khoảng thời gian không quá dài.  Nhưng đối với mình thì thời gian này đủ để mình trưởng thành và nhận thức được nhiều thứ.

Trước hết, mình muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô tại 4WORDS. Cảm ơn sự định hướng và luôn đồng hành cùng mình trong suốt quá trình ôn luyện IELTS/SAT và apply Du học. Nếu không có các thầy cô, các anh chị cựu học viên thì có lẽ cuộc sống Đại học của tớ đã vất vả hơn rất nhiều.

Để dành lời khuyên cho các em khóa dưới, mình chỉ biết nhắn các em rằng “Practice makes perfect” thôi! Cứ học tập chăm chỉ và theo sát những gì các em được học thì mọi thứ sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Thi cử cũng có lúc chúng ta cần tập trung dồn lực tối đa. Nhưng ngoài việc học tập căng thẳng thì cũng cân bằng nghỉ ngơi vui chơi, tự tạo cảm giác thoải mái cho bản thân.

Chúc các bạn sắp nộp hồ sơ Du học sẽ tìm được ngôi trường phù hợp với bản thân. Cái cảm giác chờ kết quả các trường báo về nó hồi hộp mà vui lắm đó!

Đọc thêm:

Chia sẻ kinh nghiệm thực tập tại công ty Singapore ngay từ năm nhất

Tin Liên quan

Điểm SAT 2023 như thế nào là cao?

Nếu bạn đã tham dự hoặc chuẩn bị một kỳ thi SAT, có lẽ bạn đang thắc mắc về điểm số của mình so với các ứng viên khác liệu có đủ cao để trúng tuyển vào trường đại...

06/07/2023

Chạm vào giấc mơ Mỹ từ những chuyến xe mẹ chở đến trường

Tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh, 4WORDS luôn ấn tượng với hình ảnh phụ huynh đưa đón, chờ đợi con. 12 năm học bất kể nắng mưa. Có lẽ cũng là từng ấy năm cha mẹ chăm...

25/08/2020

Tầm quan trọng của điểm GPA khi đi du học Mỹ

“GPA là gì? Điểm GPA đóng vai trò gì trong bộ hồ sơ du học Mỹ?”. GPA viết tắt cho Grade Point Average là điểm trung bình, là “giấy trắng mực đen” cho thành tích học tập của học...

20/03/2023

Những nét văn hóa Mỹ có thể khiến Du học sinh bất ngờ

Với sinh viên quốc tế, trải nghiệm học tập tại một nền văn hóa như Mỹ tưởng chừng khá hấp dẫn. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa đôi khi có thể khiến các Du học sinh “shock...

14/03/2022

Các mẹo để viết Resume cho bộ hồ sơ ứng tuyển đại học

Resume (còn được viết là résumé) được bắt nguồn từ tiếng Pháp và trong tiếng Anh có nghĩa là “summary”. Resume được hiểu là một bản tóm tắt trình độ chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất trong công...

05/07/2023